Tranh cãi “thiết kế nội thất” và “trang trí nội thất”: chuyên gia nói gì?
Thời gian gần đây, nhiều diễn đàn về nội thất và kiến trúc nổi lên tranh cãi “nảy lửa” về khái niệm chính xác và sự khác biệt giữa nghề “thiết kế nội thất” và “trang trí nội thất”. LCDF- Hanoi đã có cuộc trao đổi với giảng viên khoa Thiết kế nội thất và Kiến trúc về chủ đề này, giúp bạn có cái nhìn đúng đắn khi lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với đam mê của mình.
1 - Nhà thiết kế nội thất có trang trí nội thất. Nhà trang trí nội thất không thiết kế
Thiết kế nội thất (Interior Design) là phát triển giải pháp thiết kế cho các không gian phục vụ những yêu cầu chức năng và thẩm mỹ của người sử dụng. Nhà thiết kế nội thất (Interior Designer) có nhiệm vụ tạo ra không gian nội thất hiệu quả về mặt công năng và phù hợp về phong cách thẩm mỹ cho khách hàng.
Nhà thiết kế nội thất có trang trí nội thất. Nhà trang trí nội thất không thiết kế.
Trang trí nội thất (Interior Decoration) là việc trang hoàng một không gian trong nhà với những đồ nội thất phù hợp. Phạm vi của trang trí nội thất chỉ tập trung vào cải thiện phong cách, sắp xếp đồ đạc để kết hợp hài hòa các yếu tố sẵn có như ánh sáng, màu sắc và bố cục. Nghề trang trí nội thất có tính thương mại nhiều hơn.
Như vậy, nhà thiết kế nội thất có thể trang trí nội thất. Nhà trang trí nội thất sẽ không thiết kế.
2 - Nhà thiết kế nội thất phải phối hợp cùng kiến trúc sư. Người trang trí nội thất không can thiệp vào thiết kế và cấu trúc không gian.
Để thiết kế không gian nội thất, nhà thiết kế nội thất phải làm việc với kiến trúc sư, nhà thầu và xưởng chế tác nội thất để kiến tạo không gian. Trong đó bao gồm tất cả các dạng chức năng: nhà riêng, cửa hàng, triển lãm, công ty, nhà hàng hay những không gian kiến trúc lớn hơn. Nhà thiết kế nội thất lên ý tưởng tạo hình nội thất, phân bổ và lựa chọn nội thất phù hợp với không gian kiến trúc.
Nhà thiết kế nội thất làm việc chặt chẽ với cả kiến trúc sư, nhà thầu và khách hàng, họ tham gia thiết kế và tối ưu hóa cấu trúc không gian nội thất.
Nhà trang trí nội thất không can thiệp vào thiết kế không gian. Phạm vi làm việc của nhà trang trí nội thất tập trung vào các món đồ nội thất, phối màu và chất liệu của chúng cho phù hợp với căn phòng. Họ sẽ làm việc với xưởng sản xuất đồ nội thất, thợ bọc lót… và sẽ bắt đầu làm việc sau khi căn nhà đã được xây dựng hoàn thiện.
3 - Nhà thiết kế nội thất làm việc từ nhu cầu “sơ khai” của khách hàng. Nhà trang trí nội thất “tân trang” lại các yếu tố không tác động đến cấu trúc nhà.
Từ những mong muốn và phong cách sống ban đầu của người sử dụng không gian, nhà thiết kế nội thất phải lên ý tưởng và thực hiện từ quy hoạch phác thảo đầu tiên cho đến việc trang trí không gian cuối cùng. Nhà thiết kế có thể thay đổi và can thiệp sâu vào cấu trúc căn phòng để tạo được hiệu quả tốt hơn về mặt công năng và thẩm mỹ cho không gian. Họ cũng phải có kiến thức chuyên môn về ánh sáng, màu sắc, hoặc âm thanh để thiết kế và lựa chọn sản phẩm nội thất đáp ứng yêu cầu.
Nhà thiết kế nội thất làm việc từ khâu khởi tạo công trình. Nhà trang trí nội thất làm việc sau khi không gian đã hoàn thiện cấu trúc.
Nhà trang trí nội thất sẽ không thay đổi cơ cấu căn phòng, họ tân trang bằng những việc như đổi màu tường, thay rèm, bổ sung các vật dụng trang trí… Ví dụ: nhà thiết kế nội thất có thể thay đổi kích cỡ hay hình dáng cửa sổ để thay đổi ánh sáng và bố cục căn phòng, nhưng nhà trang trí nội thất chỉ thay rèm cửa đề tân trang.
4 - Nhà thiết kế nội thất phải có bằng cấp chuyên môn. Nhà trang trí nội thất có thể hành nghề dựa vào khiếu thẩm mỹ.
Thiết kế nội thất là một nghề đòi hỏi bằng cấp và đào tạo chính quy. Những chuyên môn chắc chắn một nhà thiết kế nội thất phải nắm vững bao gồm: kiến trúc, quy hoạch không gian, thiết kế nội thất, nghiên cứu màu sắc và vải, vẽ, tối ưu thiết kế trên máy tính- Computer Aided Design (CAD), tiêu chuẩn môi trường xây dựng và an toàn sức khỏe… Thậm chí tại Mỹ, nhiều bang chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà thiết kế nội thất có bằng cấp bài bản.
Nhà trang trí nội thất không bắt buộc bằng cấp về thiết kế nội thất. Họ có thể có chuyên môn liên quan đến nghệ thuật thị giác, hoặc óc thẩm mỹ, biết nắm bắt sở thích của chủ nhà và sử dụng hiểu biết đó để hành nghề.
Tại Việt Nam, Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hanoi nằm trong số rất ít trường đào tạo thiết kế nội thất chính quy. LCDF-Hanoi dẫn đầu với chương trình đào tạo Anh quốc, đội ngũ giảng viên đến từ các Đại học hàng đầu tại Anh. Sinh viên tốt nghiệp LCDF-Hanoi được cấp bằng do Hội đồng khảo thí Chính phủ Anh quốc công nhận, chắc suất nhập học chuyển tiếp tại các trường đại học đào tạo về thiết kế nội thất và kiến trúc top đầu nước Anh.