Vải chàm truyền thống “biến hóa” thành thời trang đường phố khiến giới trẻ mê mẩn

Tại triển lãm “Nối mạch di sản cộng đồng đồng” do Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua, các thiết kế của nhóm sinh viên Học viện Thiết kế và Thời trang London (LCDF-Hanoi) đã khiến người xem bất ngờ khi vải chàm xuất hiện trong những bộ trang phục thời trang đường phố. Tất cả đều được tạo nên từ chất liệu thủ công nhưng được xử lý bằng ngôn ngữ thiết kế trẻ trung, phá cách, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Các thiết kế là sản phẩm từ Dự án “Nâng cao năng lực cho phụ nữ H'Mông ở Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình từ kỹ thuật thủ công truyền thống” – chương trình hợp tác giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và LCDF-Hanoi, nhằm hỗ trợ phụ nữ địa phương cải thiện sinh kế bền vững gắn liền với văn hóa bản địa.

Bộ sưu tập kết hợp kỹ thuật nhuộm chàm và vẽ sáp ong truyền thống của người H'Mông, do nhóm sinh viên Học viện Thiết kế và Thời trang London thực hiện.
Vải chàm truyền thống bước vào thế giới thời trang đường phố…
Sinh viên thiết kế thời trang Lê Gia Trí mang đến thiết kế “Núi chàm”, khai thác tính ứng dụng của trang phục theo cách rất riêng. Bộ đồ tối giản với áo chùm đầu và quần ngắn tưởng như đơn giản, nhưng chính chất liệu organza mờ ảo kết hợp cùng họa tiết cây rừng in sáp ong trên nền vải chàm mới là điểm nhấn tạo nên chiều sâu thị giác. “Mình muốn bộ trang phục gợi cảm giác như đứng trên đỉnh núi nhìn qua biển mây, vừa nhẹ nhàng, vừa mạnh mẽ như con người Tây Bắc”, Trí chia sẻ. Thiết kế như một nhịp cầu đưa chất liệu thủ công bước vào đời sống đô thị, nơi mà trang phục truyền thống không chỉ dành cho lễ hội, mà có thể hiện diện trong nhịp sống thường ngày.

Trang phục “Núi chàm” với sự kết hợp giữa các chất liệu truyền thống.

Nguyễn Minh Hằng với bộ trang phục ba món mang tên “Ode to the City” (Khúc ca cho thành phố), khai thác tính linh hoạt trong thiết kế hiện đại nhưng vẫn trân trọng sự hiện diện của các chất liệu truyền thống. Từ chiếc áo sát nách len đỏ móc tay đến áo khoác hai mặt với tay áo có thể tháo rời, từng chi tiết đều hướng đến sự cân bằng giữa hiện đại – cá tính và truyền thống – bản sắc. Đặc biệt, vải chàm H’Mông được điểm xuyết khéo léo trên nền denim, như một nốt trầm ấm giữa bản nhạc thành thị. “Mình muốn vải chàm không còn bị giới hạn trong khái niệm ‘thời trang dân tộc’. Nó xứng đáng hiện diện trong cả những câu chuyện phổ quát hơn như tinh thần của streetwear”, Hằng nói.

“Ode to the City” tạo điểm nhấn bằng vải chàm H’Mông.
Trong khi đó, lấy cảm hứng từ đồng phục hải quân, Ngô Ngọc Minh Hằng tạo nên thiết kế “Die Antithese” (Sự phản đề) – một cuộc đối thoại đầy nội lực giữa cứng và mềm, lý trí và cảm xúc, hiện đại và truyền thống. Áo vest phom quân đội vai vuông, chất liệu da trắng kem được kết hợp cùng chân váy đuôi cá phồng làm từ linen và vải chàm H’Mông họa tiết sóng nước tạo nên một tổng thể đối lập mà hài hòa. “Mình bị thu hút bởi vẻ đẹp mạnh mẽ của vải thổ cẩm H’Mông và nhận ra sự liên kết bất ngờ giữa chất liệu truyền thống và hình ảnh quân đội. Sự giao thoa này trở thành nền tảng cho thiết kế, như một cách tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam”, Hằng bày tỏ. Die Antithese không chỉ là một sự nổi loạn về thẩm mỹ, mà còn là hành trình tìm kiếm sự hòa hợp nội tâm, nơi di sản văn hóa trở thành điểm tựa cho sáng tạo đương đại.

Thiết kế lấy cảm hứng từ đồng phục hải quân.
Phạm Khánh Linh lại mang cảm hứng từ năng lượng hoang dã của núi lửa để kể câu chuyện về sự tàn phá và tái sinh – một chuyển động ẩn dụ qua từng lớp vải và đường nét thiết kế. Áo trễ vai tẩy màu kết hợp với khăn quàng thổ cẩm cam rực lửa, chân váy đan len lấy hình ảnh từ váy xếp ly H’Mông hòa cùng quần denim mài có chi tiết vải hai bên – tất cả tạo nên một tổng thể vừa punk, vừa truyền thống. “
“Phần cổ khăn quàng được lấy cảm hứng từ những chiếc vòng cổ xếp lớp. Với bộ trang phục này, mình mong muốn thể hiện được năng lượng thô mộc của phong cách punk và streetwear, đồng thời tôn vinh sự phong phú trong di sản truyền thống Việt Nam – một niềm đam mê lớn của mình. Xuyên suốt quá trình thiết kế, mình chú trọng việc đưa vải thổ cẩm H’Mông vào một cách hài hòa, vừa mang nét hiện đại, táo bạo, nhưng vẫn giữ được giá trị thủ công và bản sắc văn hóa của người H’Mông”, Linh chia sẻ.

Bộ trang phục streetwear phá cách, nổi bật với điểm nhấn vải chàm truyền thống.
… khiến giới trẻ mê mẩn vì quá “chất”!
Nhiều khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ cũng đã bày tỏ sự bất ngờ và ấn tượng trước cách mà sinh viên LCDF-Hanoi thổi làn gió mới vào chất liệu truyền thống. Nguyễn Bảo Trâm (21 tuổi) cho biết:“Mình thực sự bất ngờ khi thấy vải chàm được sử dụng theo cách hiện đại đến vậy. Các bạn sinh viên đã thổi một luồng gió mới vào chất liệu tưởng như chỉ dành cho trang phục dân tộc. Rất ấn tượng với cách phối màu và xử lý chất liệu, vừa sáng tạo, vừa tôn trọng di sản”.
Trong khi đó, Lê Quang Huy (23 tuổi) cho biết các thiết kế mang đến nhiều góc nhìn độc đáo: “Ban đầu mình chỉ tò mò đến xem cho biết, nhưng càng ngắm càng thấy cuốn. Có bộ nhìn cực kỳ đời thường, có bộ lại mang chất runway rõ nét, nhưng điểm chung là đều dùng chất liệu truyền thống một cách rất tinh tế. Mình nghĩ các bạn sinh viên đã có cách tiếp cận rất hay để văn hóa dân tộc đến gần giới trẻ hơn”.

Các bạn trẻ thích thú trước những thiết kế sáng tạo và mới lạ.

Các nghệ nhân H'Mông không khỏi ngạc nhiên khi vải chàm truyền thống xuất hiện trong những thiết kế mang phong cách hiện đại.

Các thiết kế truyền cảm hứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.
Phạm Minh Anh (19 tuổi) chia sẻ đầy hào hứng: “Mình không nghĩ là vải chàm, thứ mà mình từng thấy bà ngoại dùng lại có thể lên đồ ‘chất chơi’ như vậy. Thật sự là quá bất ngờ và truyền cảm hứng. Mình nghĩ mình sẽ thử phối đồ với một vài món đồ vải chàm xem sao!”
Không chỉ các bạn trẻ, nhiều người đã có kinh nghiệm làm việc với chất liệu truyền thống cũng đánh giá cao sự sáng tạo trong các thiết kế. Chị Lan Phạm - người có nhiều năm làm việc với chất liệu thổ cẩm H'Mông nhận định: “Tôi thực sự ấn tượng với sự sáng tạo và táo bạo trong các thiết kế của các bạn sinh viên. Điều đáng quý là các bạn không chỉ làm ra sản phẩm đẹp mà còn góp phần ứng dụng giá trị văn hóa vào đời sống hiện đại. Những thiết kế như thế này cần được nhân rộng, để không chỉ bảo tồn mà còn tiếp sức cho di sản văn hóa dân tộc”.

Khách quốc tế hào hứng tìm hiểu, chăm chú ngắm nhìn từng chi tiết thiết kế.

Các em nhỏ cũng rất thích thú.

Thiết kế có tính ứng dụng cao.

Từ những thớ vải nhuộm chàm thấm đẫm tâm huyết, thế hệ nhà thiết kế trẻ đang đặt ra một câu hỏi thẳng thắn: tại sao di sản lại phải đứng ngoài thời cuộc? Với họ, vải lanh, vải chàm hay thổ cẩm không chỉ là chất liệu đó là bản sắc, là góc nhìn, là tiếng nói thời trang của chính mình. Và trong dòng chảy sôi động của toàn cầu hóa, chính tinh thần “bản địa hóa” ấy lại trở thành tuyên ngôn cá nhân và bền vững nhất.
Và các nhà thiết kế trẻ tại LCDF-Hanoi đang chọn cách viết lại ngôn ngữ thời trang đường phố streetwear bằng chính di sản văn hóa Việt Nam, không sao chép, mà tìm về cội nguồn để định hình cá tính. Với các bạn trẻ, vải chàm không chỉ là chất liệu, mà là câu chuyện. Không chỉ là thời trang, mà là góc nhìn, một cách định nghĩa lại cá tính trong thời đại mà “gốc gác” chính là điểm nhấn làm nên khác biệt.