News from LCDF

Sinh viên Thiết kế thời trang trải nghiệm du học trao đổi tại Pháp

z6356338120154_5bf261bc729dc13bfcf6b288445640e7.jpg

Phương Uyên, sinh viên ngành Thiết kế thời trang tại LCDF-Hanoi, vừa hoàn thành học kỳ trao đổi du học sinh tại trường Yschool-Ecole Superieure de Design Troyes (Pháp). Trải nghiệm này đã mang lại cho Uyên nhiều kiến thức và kỹ năng quý giá. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng bạn để tìm hiểu thêm về hành trình này.

Bạn đã học được những kiến thức và kỹ năng mới nào từ chuyến đi này, đặc biệt là những điều chưa từng được trải nghiệm trước đó?

Về nội dung học tập, mình đặc biệt yêu thích các môn liên quan đến kinh doanh và thiết kế. Tuy nhiên, thiết kế tại đây không chỉ giới hạn còn mang tính khái niệm và trừu tượng cao. Một trong những môn học thú vị mình được học là "Human Design" nơi mình được khám phá những góc nhìn sâu sắc về thiết kế.

Bên cạnh việc học, mình cũng có cơ hội đi du lịch và khám phá văn hóa địa phương, mang lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

z6356338120154_5bf261bc729dc13bfcf6b288445640e7.jpg

Phương Uyên có nhiều trải nghiệm đáng nhớ tại Pháp

Khả năng ngoại ngữ của mình đã được cải thiện đáng kể, vì môi trường học tập yêu cầu mình phải giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh và đôi khi là tiếng Pháp. Điều này giúp mình tự tin hơn trong việc diễn đạt ý tưởng và trao đổi chuyên môn.

Ngoài ra, mình được tiếp cận với nhiều kiến thức thiết kế mới lạ. Các lớp học workshop tại đây rất hấp dẫn, không chỉ bởi nội dung sáng tạo mà còn vì cơ sở vật chất hiện đại. Máy móc và công cụ hỗ trợ học tập tiên tiến giúp mình có thêm nhiều trải nghiệm thực tế mà trước đây mình chưa từng tiếp cận.

Theo bạn, điểm giống và khác nhau giữa môi trường học tập, phương pháp giảng dạy ở Việt Nam và Pháp là gì?

Điểm giống là giáo viên đều rất nhiệt tình và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, ở Pháp, phương pháp giảng dạy khá mới mẻ. Một điểm đặc biệt là có những lớp học được giảng dạy bởi 2-3 giáo viên cùng một lúc. Điều này mang lại nhiều góc nhìn khác nhau về cùng một chủ đề, giúp sinh viên mở rộng tư duy và tiếp thu kiến thức đa chiều.

Đặc biệt, trong các môn workshop, trường thường mời giảng viên từ các trường khác, thậm chí là các giáo sư hoặc những chuyên gia có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Các workshop này không chỉ chuyên sâu về thiết kế mà còn mở rộng sang những vấn đề lớn như môi trường, phát triển bền vững – những chủ đề chưa được đào sâu nhiều tại Việt Nam.

z6356347139520_49e334375f954ec175d0326041078758.jpg

Vậy bạn đánh giá thế nào về độ khó khi học tập tại đó?

Một số môn học thực sự thách thức, đặc biệt là những môn liên quan đến môi trường và phát triển bền vững. Ở Pháp, họ rất chú trọng vào việc đưa ra các giải pháp sáng tạo để bảo vệ môi trường, trong khi tại Việt Nam, mình chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với những vấn đề này.

Ví dụ, có một bài tập nhóm yêu cầu thiết kế một mô hình du lịch sinh thái, trong đó mỗi thành viên sẽ đảm nhận một vai trò khác nhau, từ kiến trúc sư, nhà thiết kế, cho đến chuyên gia môi trường. Đây là một dự án quy mô lớn, đòi hỏi nhiều nghiên cứu và tư duy sáng tạo.

Làm thế nào để bạn thích nghi và vượt qua những thử thách đó?

Mình chủ động học hỏi từ bạn bè quốc tế, trao đổi ý tưởng với giảng viên, và tận dụng tối đa nguồn tài liệu sẵn có. Việc làm việc nhóm cũng giúp mình tiếp thu được nhiều phương pháp tư duy mới, đồng thời rèn luyện khả năng thích nghi với môi trường học tập khác biệt.

Ban đầu bạn đặt mục tiêu gì cho chuyến đi này, và liệu nó có đáp ứng được kỳ vọng của bạn không?

Mình mong muốn được tiếp cận sâu hơn với lĩnh vực kinh doanh thời trang. Khi đăng ký vào trường, mình từng chọn học kết hợp giữa thiết kế thời trang và kinh doanh, nhưng trước đây chưa có nhiều cơ hội học chuyên sâu về kinh doanh. Chuyến đi này đã giúp mình bổ sung kiến thức còn thiếu, đồng thời định hình rõ hơn về tư duy thiết kế của mình.

z6356344794051_eb17ea652f77c02fef8196b3ac66c0ed.jpg

Chuyến du học tới Pháp giúp Uyên tiếp cận sâu hơn về kinh doanh thời trang

Bạn có thể chia sẻ về những dự định sắp tới trong công việc? Chuyến đi này có tác động gì đến định hướng nghề nghiệp của bạn không?

Trước mắt, mình muốn làm việc tại Việt Nam để tích lũy kinh nghiệm. Khi đã vững vàng hơn, mình sẽ tìm cơ hội phát triển ở thị trường quốc tế.

Chuyến đi không thay đổi nhiều về định hướng, nhưng nó giúp mình mở rộng góc nhìn về thời trang, hiểu rõ hơn về những xu hướng mới và cách ứng dụng thiết kế vào thực tế. Đây sẽ là những nền tảng quan trọng giúp mình theo đuổi con đường xây dựng thương hiệu riêng trong tương lai.

Tổng kết lại, bạn đánh giá chuyến đi này như thế nào?

Đây là một trải nghiệm quý giá, không chỉ giúp mình học hỏi thêm kiến thức chuyên môn mà còn phát triển kỹ năng mềm quan trọng. Đây không phải là một chuyến đi "chill chill" chỉ để khám phá mà đôi khi còn rất áp lực vì deadline, nhưng bù lại, mình đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Mình học được cách giao tiếp hiệu quả hơn, mở rộng tư duy thiết kế và hiểu sâu hơn về kinh doanh trong lĩnh vực thời trang.

z6356338108323_735514de8ea5208185324f9a853b0fa4.jpg

Bạn có lời khuyên nào dành cho các sinh viên tương lai nếu họ có cơ hội tham gia chương trình trao đổi không?

Mình nghĩ các bạn nên trang bị trước một chút tiếng Pháp để dễ dàng thích nghi hơn. Ngoài ra, cần chuẩn bị một tinh thần vững vàng vì chắc chắn sẽ có những thử thách về văn hóa, học thuật và cả thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, nên chủ động mở rộng mối quan hệ, hỏi han kinh nghiệm từ những anh chị đi trước để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Cảm ơn Phương Uyên về những chia sẻ thú vị!