Thiết kế nội thất và Trang trí nội thất – Đâu là điểm khác biệt?
- hang
- Ngày 30 tháng 11 năm 2017
Thiết kế nội thất và trang trí nội thất là hai công việc có những điểm liên quan đến nhau. Tuy nhiên, không giống như suy nghĩ của các bạn trẻ đang quan tâm đến công việc “thổi hồn" cho không gian sống này. Đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau.
Theo Trưởng khoa nội thất Huren Marsh đến từ Học viện thiết kế và thời trang London - Hà Nội (LCDF) thì đã có những thay đổi nhất định về mặt quan điểm trong ngành thiết kế nội thất suốt 20 năm qua. Những thay đổi này đến từ sự trỗi dậy của văn hoá thiết kế vào những năm 80, 90 thế kỷ trước cũng như sự ra đời của các chương trình định hướng phong cách sống.
Các bạn trẻ trải nghiệm các workshop thiết kế nội thất để bước đầu tìm hiểu về lĩnh vực này với sự hướng dẫn của giảng viên Anh quốc tại Việt Nam.
Trước đó, bên cạnh các nhà thiết kế nội thất “chuẩn chỉnh" với bằng cấp được công nhận thì còn tồn tại một nhóm đối tượng làm nghề khác nhưng ở trình độ thấp hơn. Đó là những người chuyên trang trí nội thất vốn tập trung vào việc bài trí nhà cửa hoặc các không gian thương mại đơn giản. Với họ, nội thất chỉ gói gọn trong bốn chữ C, đó là Carpets (thảm), Curtains (rèm), Cushions (nệm) và Colours (màu sắc).
Mặc dù vậy, sau thập niên 80, người ta có xu hướng gọi chung tất cả những người làm công việc liên quan đến nội thất là “thiết kế”. Để rồi, sự nhầm lẫn giữa thiết kế nội thất và trang trí nội thất kéo dài cho đến tận ngày hôm nay, đến mức mà nhiều trường Đại học lớn tại Anh đã phải đổi tên để làm rõ sự khác biệt.
Kể câu chuyện này để thấy, ngay cả ở một nước có ngành thiết kế phát triển như Anh quốc mà mọi thứ đôi khi vẫn còn “mông lung như một trò đùa" trong suốt 20 năm qua thì sự nhầm lẫn này tại Việt Nam cũng là lẽ thường.
Dẫu vậy, nếu như các bạn trẻ thực sự quan tâm đến công việc đang được đánh giá là “hot" này thì việc phân biệt cũng không quá phức tạp.
Những sự khác biệt cơ bản
Không chỉ cần những bản vẽ đẹp, dựng mô hình nội thất 3D là một trong những phần học quan trọng của nhà thiết kế nội thất, giúp họ tư duy thực tế.
Theo đó, những người làm công việc trang trí có khả năng bố trí thẩm mỹ bên trong công trình, bao gồm màu sắc, phong cách, kiểu dáng... phù hợp theo nhu cầu của khách hàng. Tất cả những gì họ có thể làm là sắp xếp, bài trí nhà cửa dựa trên những thứ có sẵn sao cho đẹp mắt và hài hoà nhất.
Thiết kế nội thất hay Thiết kế nội thất kiến trúc lại là những người có chức năng thiết kế không gian bên trong công trình kiến trúc. Họ có kiến thức sâu về kiến trúc, thẩm mỹ, màu sắc, ánh sáng, các vật trang trí (tâm linh) để tạo ra một môi trường sống thuận tiện, thoải mái cho khách hàng. Họ cũng đồng thời phải am hiểu cả về vật liệu nội thất, tường tận quá trình thi công và có khả năng sáng tạo, định hướng những phong cách xu hướng mới.
Một số thiết kế dựng 3D của sinh viên khoa thiết kế nội thất đang học tại LCDF-Hanoi.
Về phần mình, Huren Marsh cũng đã đúc kết và khái quát được một vài điểm khác biệt cơ bản để những ai vẫn còn đang mù mờ có thể thấy ngay được.
Cụ thể, các nhà thiết kế nội thất có thể một tay “cân" những dự án cỡ lớn như khách sạn hay toà nhà văn phòng, làm việc như một phần không thể thiếu của đội kiến trúc đồng thời quán xuyến toàn bộ không gian, cấu trúc và công năng của công trình.
Trong khi đó, công việc của người trang trí chỉ giới hạn một căn hộ hoặc quán ăn, thường xuyên phải “tác chiến độc lập" hoặc cùng một nhóm nhỏ và không cần phải bận tâm gì nhiều ngoài việc sắp đồ xếp đạc hay pha màu phối sắc.
Các nhà thiết kế nội thất muốn được làm nghề phải trải qua một quá trình đào tạo, học tập, nghiên cứu dài hơi. Ngược lại, giới trang trí nội thất lại chỉ cần tham gia một vài lớp học ngắn hạn, thậm chí là tự học, sau đó họ đã có thể đi tìm khách hàng.
Kết
Hiện tại, ở Việt Nam đang có khá nhiều các cơ sở đào tạo ngành nội thất, từ các trung tâm dạy nghề cho đến những trường đại học chính quy hay Học viện quốc tế. Tuy nhiên, chưa hẳn những cơ sở có tầm vóc lớn sẽ dạy chuyên sâu hơn và ngược lại. Chính vì thế mà việc theo học về “thiết kế" hay “trang trí" phụ thuộc hoàn toàn vào sự hiểu biết và lựa chọn của sinh viên.
Nghề thiết kế nội thất thu hút được sự quan tâm lớn đối với các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa tương lai.
Với một vài tiêu chí phân biệt kể trên, hy vọng các bạn trẻ đang có hứng thú với công việc làm đẹp không gian sống sẽ tự thấy được bản thân mình phù hợp với cái gì để qua đó, việc hướng nghiệp cũng như lựa chọn cơ sở đào tạo sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.